Phân tích bài thơ Ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên
Bài làm:
Dòng thời gian vẫn tuần hoàn bất tận, thời thế cứ nhẹ nhàng đổi thay, những dấu ấn một thời vang bóng sẽ lùi vào dĩ vãng để lại cho lòng người bao nỗi tiếc thương. Bắt nguồn từ cảm hứng ấy, cùng những đồng cảm sâu sắc, bài thơ “Ông đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên đã thể hiện những hoài niệm sâu sắc, những nỗi niềm day dứt, tiếc nuối cho một giá trị tinh thần đang dần lụi tàn, mất dần theo dòng thời gian trôi mãi.
Thơ mới là một phong trào thơ có tính lãng mạn, trào phúng được coi như là “một cuộc cách mạng trong thơ ca, một thời đại trong thơ ca”(Hoài Thanh). Thời đại thơ mới xuất hiện làm lu mờ đi những đặc tính riêng mà trào lưu của dòng thơ thời trung đại. Với dòng thơ này, đã thể hiện được cái tôi cá nhâ rõ nét và nhiều đổi mới, cách tân về nghệ thuật khác hẳn với nền thơ cổ điển. Vũ Đình Liên đã dùng cảm hứng hoài cổ để cảm nhận về ngày xưa,về quá khứ mang nặng giá trị văn hóa đã thực sự qua, để lại trong lòng người bao tiếc nuối, đau xót khi mất đi một nét truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang tàn phai mai một. Và rồi khi cảm hứng lãng mạn của dòng thơ mới và cảm hứng hoài cổ gặp nhau, chúng kết hợp và để lại cho ta một tác phẩm hay – “Ông đồ”.
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”
Cứ mỗi năm tết đến xuân về, hình ảnh bánh chưng xanh, câu đối đỏ vốn là những thứ quen thuộc được bày trên bàn thơ tổ tiên, tạo nên không khí tết tươi vui, đằm thắm. Ông đồ và hoa đào như là những tín hiệu báo mùa xuân về khi “mỗi năm hoa đào nở”. Vào thời khắc ấy, “lại thấy ông đồ già” như một hình ảnh vốn đã thân quen, gần gũi. Các từ “mỗi năm”, “lại” đã gợi nên một sự lặp đi lặp lại vào hằng năm khi tết đến xuân về. Năm nào cũng thế, vào đầu xuân năm mới, ông đồ lại xuất hiện với vẻ đắc ý. Sự xuất hiện đều đặn của ông đồ dường như đã thành lệ, như một quy luật được định sẵn. Với một ông đồ, hay còn gọi là một thầy Nho thường đi liền với mực Tàu và giấy đỏ như một phần không thể thiếu để tạo nên nét đẹp văn hóa cổ truyền của ngày tết dân tộc. Hình ảnh ông đồ thưở bấy giờ đã ăn sâu vào trong tâm thức người Việt như một tục lệ không thể thiếu của nền văn hóa. Ở khổ thơ thứ nhất, ta thấy được một nét đẹp đặc sắc của nền văn hóa xưa, hoa và người đồng thời xuất hiện để soi chiếu, tôn vinh nhau. Sắc hoa khoe cùng sắc giấy thắm để thêm phần tươi tắm, rực rỡ, tạo nên vẻ thiêng liêng, ấm cúng cho ngày xuân về. Mỗi năm, khi những bông hoa đào nở thì cũng là dịp ông đồ được trổ tài viết chữ với “bao nhiêu người thuê viết/ tấm tắc ngợi khen tài”. Quả là một ông đồ tài hoa với sự khâm phục và mến mộ của nhiều người, khiến người ta khen, người ta mua câu đối của ông để về treo trong nhà. Vũ Đình Liên đã so sánh tài nghệ của ông đồ thật đặc sắc, điêu luyện bằng thành ngữ: “hoa tay thảo những nét/ như phượng múa rồng bay”. Nét chữ là nét người, nét chữ rồng bay phượng múa như thể hiện một con người có tâm hồn bay bổn, phóng khoáng. Tài năng của ông đồ quả là điêu luyện, sắc sảo, là một nghệ sĩ có tài nhưng cũng có tâm, có tầm. Những nét chữ của người thầy Nho ấy đã trở thành họa phẩm, trở thành bức câu đối đẹp của nghệ thuật thư pháp thời xưa. Chính tài hoa ấy đã khiến ông đồ trở thành người có tầm vóc lớn lúc bấy giờ, được người ta “tấm tắc” khen với một thái độ trầm trồ, ngưỡng mộ, thán phục và quý trọng tài năng của ông. Dường như, mọi người ai cũng yêu thích và say mê với thú chơi chữ. Đó là một nét đẹp thời xưa, nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc. Ở đây, ta thấy được một sự đồng cảm sâu sắc và sự giao cảm đồng điệu giữa người viết và người thuê viết. Họ nguyện tham gia một trò chơi văn hóa, còn ông đồ lại cứ say mê với cái thú chơi chữ như một cuộc chơi ở cái độ xuân về. Cả người viết và người thuê viết đều coi trọng những giá trị tinh thần của thời đại, luôn hướng về những nét đẹp thanh tao, truyền thống.
Dẫu rằng, sự hiện diện của ông đồ đã góp thêm những vẻ đẹp cho truyền thống dân tộc, cho sự ấm cúng và trang trọng ngày tết. Nhưng mỗi thời một khác, con người luôn thích thú với những thứ mới mẻ hơn là những thú vui cũ. Hình ảnh ông đồ già với tài bút “phượng múa rồng bay” đã dần chìm đắm vào thời quá khứ, cứ thưa dần, mất dần, và con người cũng dần quên mất sự tồn tại của ông đồ già:
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…
Cái danh dự còn sót lại nhỏ nhoi ấy cũng đâu thể tồn tại mãi, mọi thứ rồi sẽ bị thời gian phủ lên một lớp bụi dày, che phủ đi những giá trị lớn, dòng đời khắc nghiệt, đưa đẩy ấy đã vùi lấp không thương tiếc những nét đẹp mang dấu ấn một thời. Dù tài, dù đẹp “nhưng mỗi năm mỗi vắng”, khung cảnh hiu hắt, quạnh vắng hiện lên với chữ “nhưng” gợi nên sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại đối lập. Không gian bỗng trở nên vắng vẻ, thưa dần, điệp từ “mỗi” đã điểm từng nhịp bước của thời gian, “mỗi năm” cứ dần qua, thời gian lặng lẽ trôi đi, mang một màu nhạt nhòa “mỗi vắng” như thể hiện sự trống vắng, phai phôi của thời gian mang đến. Nhịp thơ bỗng trầm như một nỗi hụt hẫng, thất vọng trong lời hỏi “người thuê viết nay đâu?”. Một tâm trạng tiếc nuối quá khứ, xót xa với thực tại đang trỗi dậy trong lòng người thấy Nho mang nét đẹp văn hóa. Dường như, nhà thơ Vũ Đình Liên đang đồng cảm và xót thương cùng cảnh ngộ ông đồ, đồng thơ tiếc nuối cho một nền văn hóa đẹp bỗng chốc mất dần đi.
“Nào có ra gì cái chữ Nho
Ông nghè, ông cống cũng nằm co”
(Tú Xương)
Trước hoàn cảnh đó, ông đồ bỗng tỏ ra tâm trạng buồn bã, được thể hiện qua hình ảnh “giấy đỏ buồn không thắm/ mực đọng trong nghiên sầu”. Biện pháp nhân hóa “giấy” và “mực” vốn là những đồ vật quen thuộc với ông đồ để diễn tả tâm trạng của ông đồ. Những vật dụng ấy bỗng trở nên có hồn và mang tâm trạng giống như con người. “Giấy đỏ buồn” vì bị lãng quên nên chẳng “thắm” lại, màu đỏ của nó cũng trở nên phai nhòa màu sắc. Còn “mực” không được đụng tới nên đã “đọng” lại trong “nghiên” mang một nét “sầu” cho thời thế trái ngang. Đó cũng chính là tâm trạng buồn tủi, chán ngán của ông đồ già, đồng thời cũng là nỗi niềm thương cảm vô tận và tiếc nuối của nhà thơ Vũ Đình Liên.
Thời gian vẫn tuần hoàn, tết vẫn đến, hoa đào vẫn nở, “ông đồ vẫn ngồi đấy”, nhưng lòng người buộc phải đổi thay
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Nghệ thuật tương phản của hình ảnh “ông đồ vẫn ngồi đấy”, mang giá trị tinh thần của văn hóa Việt với những nỗi niềm của người yêu chữ nhưng “qua đường không ai hay”. Người viết chữ kia dường như vẫn còn hoài niệm về quá khứ, cố níu giữ mọt chút hy vọng để gìn giữ nền văn hóa truyền thống, thiêng liêng nhưng cuộc đời trớ trêu, con người vô tình, bạc bẽo. “Lá vàng rơi trên giấy”, giấy nằm yên bất động, “ngoài trời mưa bụi bay”. Dòng đời vẫn tấp nập, đầy bon chen, xô đẩy nhưng sự tồn tại của ông đồ và sự hiện diện của ông lúc này đã lặng im, không còn được như trước. Ông đồ lạc lõng, cô đơn giữa dòng đời hối hả như một người bị gạt ra bên lề cuộc sống. Phố vẫn đông, con người qua lại nhộn nhịp, hối hả, ông đồ vẫn ngồi bên hè phố nhưng không còn ai để ý, không một ai hỏi han. Sự níu kéo của ông không chỉ vì mưu sinh, vì cuộc sống mà còn là vì nền văn hóa truyền thống có giá trị của dân tộc. Những giá trị đã từng tồn tại suốt nghìn đời mang một vẻ đẹp thiêng liêng, cao quý. Thế nhưng, khi lòng người thay đổi, cuộc sống thay đổi thì sự cố gắng của ông đồ đã tan thành vô vọng, Ông bị bỏ rơi, bị lãng quên ngay cả khi còn hiện hữu.
Giọng thơ ngân lên chua chát, đầy xót thương, hình ảnh ông đồ đáng thương đến nhường nào! Cùng sự đồng cảm đó, nhà thơ như gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh con người, nấc lên một tiếng lòng của sự thương cảm và tiếc nuối sâu sắc
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Ông đồ từ chỗ trung tâm của bức tranh cuộc sống bỗng bị gạt sang bên lề rồi dần dẫn chìm vào quên lãng. Vũ Đình Liên dường như đã linh cảm rằng mùa xuân sinh sôi nảy nở đã hiện hữu sự tàn lụi, “năm nay đào lại nở” nhưng “không thấy ông đồ xưa”. Hình ảnh ông đồ già viết chữ bên đường năm nào đã mất đi kéo theo sự mất mát của nền văn hóa cũ có giá trị tinh thần to lớn. Với kết cấu đầu cuối tương ứng, tương phản, ở khổ đầu và khổ cuối đều cso ông đồ và hoa đào nhưng đến cuối bài thơ, chỉ còn hoa đào xuất hiện, còn ông đồ đã vĩnh viễn lạc vào cõi xa xưa. “Ông đồ xưa” không phải để thay thế cho “ông đồ già” nhưng đó chính la sự thể hiện choa khoảng cách của thời đại. Ông đồ đã hoàn toàn vắng bóng, trở thành con người của quá khứ, hình tượng của dĩ vãng xa xăm. Tác giả như hụt hẫng, nuối tiếc “những người muôn năm cũ/ hồn ở đâu bây giờ?” Đó là một tiếc nấc lòng, một câu hỏi tu từ thể hiện niềm xót xa, câu hỏi như một sự khắc khoải, một lời tự vấn để nói lên nỗi lòng ân hận của cả một thế hệ đã nỡ lòng, vô tình lãng quên đi những giá trị tinh thần thiêng liêng, quý báu.
Bài thơ “Ông đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên đã thể hiện được niềm thương cảm chân thành với một lớp người đã tàn lụy theo thời gian. Đó là lòng thương người, đồng cảm và tiếc nuối những giá trị tinh thần đẹp đẽ đã bị lãng quên. Cảm hứng hoài cổ được tác giả thể hiện đã nêu lên giá trị nhân văn, tấm lòng yêu nước và tinh thần dân tộc sâu sắc.
Bùi Phương Thảo