Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của nhà thơ Hồ Chí Minh
Bài làm:
"Ôi sáng xuân nay, Xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về… im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ…".
(Theo chân Bác – Tố Hữu)
Trở về sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc trở về trong niềm vui chào đón của thiên nhiên và con người. Cuộc đời Cách mạng đã đi liền với cuộc đời Người, gắn liền với vận mệnh toàn dân. Năm 1941, Bác trở về nước và bí mật hoạt động tại Pác Bó, Cao Bằng, trực tiếp lãnh đạo cách mạng phong trào Việt Nam. Người sống và làm việc trong hang Pác Bó với điều kiện vô cùng thiếu thốn, gian khổ, từ đây bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” ra đời mang phong cách lối sống giản dị, phong thái ung dung, tự tại, tinh thần lạc quan và bản lĩnh của người chiến sĩ Cách mạng Hồ Chí Minh.
Ba mươi năm ấy chân không mỏi
Mà đến bây giờ mới tới nơi
(Tố Hữu)
Con đường làm cách mạng của Bác đã đi suốt cuộc đời Bác, Người đã phải chịu bao gian khổ, hiểm nguy, nhiều lần bị bắt giam nhưng ý chí sắt đá và tinh thần gang thép đã đẩy bước chân Người đi xa để bắt gặp được Chủ nghĩa Mác-Leenin, tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Ba mươi năm, chặng đường ấy đã khiến người cha ấy khó nhọc đến nhường nào để rồi khi trở về trên quê hương, Người mang hy vọng lớn trong nỗi niềm giải cứu đất nước của nhân dân Việt Nam. Bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” đã được Bác vô tư, vui vẻ viết nên để kể về cuộc sống dưới hang đá tỉnh Cao Bằng, dù thiếu thốn, gian khổ nhưng Người vẫn vui, vẫn lạc quan và cảm thấy “sang”. Qua đó phản ánh được hoạt động sôi nổi, tuần hoàn của cuộc sống làm cách mạng bí mật đầy gian nan
Mọi khó khăn, thử thách đều là những mặt phù du bề ngoài, cuộc sống vẫn luôn niềm nở, vui vẻ bởi ở Bác luôn có một tinh thần cao thượng, mặc cho những thiếu thốn, chật vật trong cuộc sống nhưng vẫn luôn vô tư, yêu đời. Người làm thơ khi nhân một sự việc, một cảnh tượng nào đó mà khi đó cảm hứng nhà thơ xuất hiện thì được gọi là “tức cảnh”. Nhan đề bài thơ vốn đã nói lên nội dung lời thơ, “tức cảnh” chính là ngắm cảnh với cảm xúc cao hứng, nảy ra ý thơ hay. Đó là lối làm thơ mang nét truyền thống của cha ông ta thời xưa. Với việc gợi tả nên cảnh Pác Bó – nơi nhà thơ làm việc và diễn ra các hoạt động sinh hoạt, những ngày tháng cách mạng gian khổ của Bác đã gợi nên cảm xúc yêu thích, thoải mái, tự nhiên để người cao hứng làm nên thơ.
Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
Hai câu thơ đầu đã gợi tả nên cảnh sinh hoạt và làm việc của Bác ở Pác Bó, nói về cảnh sống dưới hang đó trong miền núi rừng đơn sơ. Nhà thơ đã dùng phép đối “sáng”-“tối”, “ra”-“vào” để cho thấy cuộc sống hài hòa, tuần hoàn, thư thái và có ý nghĩa của người làm cách mạng. Họ làm chủ hoàn cảnh, làm chủ thiên nhiên, dung hòa mọi việc để vun vén cho đời sống giản đơn nơi đây. Mọi thời gian, không gian, hoạt động đã được khái quát ngay từ câu thơ đầu bài như diễn tả một hành động đều đặn, nhịp nhàng của con người. Đồng thời, qua đó diễn ra sự gắn kết chặt chẽ, quan hệ gắn bó giữa con người với thiên nhiên. Đời sống còn nhiều thiếu thốn, khi nói về chuyện ăn uống, nhà thơ vẫn vô tư liệt kê ra những món ăn dân dã nơi núi rừng có “cháo bẹ rau măng”. Thức ăn đạm bạc nhưng người chiến sĩ “vẫn sẵn sàng”. Từ “sẵn sàng” trong câu là một từ mang hai ý nghĩa. Qua đó để nói lên những thức ăn, thức uống luôn là những thứ luôn có sẵn trong bữa ăn và người Cộng sản luôn sẵn lòng để ăn nhưng thứ đó. Và có nghĩa khác của từ “sẵn sàng” chính là tư tưởng luôn sẵn sàng, sẵn sàng đối diện với mọi chông gai phía trước. Bằng giọng thơ mang tính chất hài hước, vui tươi, dí dỏm trong cảnh khổ nhưng vẫn thư thái, nhịp nhàng, vui tươi và say về với cuộc sống cách mạng và hòa hợp thiên nhiên. Người cách mạng làm chủ hoàn toàn không gian, thời gian và các hoạt động dưới hang Pác Bó.
Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó
Khác với người xưa khi chọn núi rừng để mai danh ẩn tích, xa lánh sự đời nơi thế tục loạn lạc. Thì chủ tịch Hồ Chí Minh lại sống và làm việc cùng thiên nhiên, bầu bạn với núi rừng, chiến đấu vì một lý tưởng cao đẹp:
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Chuyển từ cách nói chuyện về chốn ăn ở,làm việc, nhà thơ bỗng chuyển hướng sang nói chuyện công việc một cách mạch lạc. Từ không gian núi rừng hoang vu, thiên nhiên hoang dã của không gian, thời gian, tác giả bỗng đổi hướng để nói về không khí hoạt động cách mạng “dịch sử Đảng”, chuyển từ cái mềm mại của suối, măng, cháo sang “bàn đá chông chênh”, rắn chắc. Tuy vậy, những những dòng thơ lại có kết cấu gắn kết, mạch lạc, thống nhất chủ đề. Tất cả đều được diễn tả để nói lên sự gian nan, vất cả của người cách mạng. Nhà thơ sử dụng phép nghệ thuật đối ý và đối thanh để làm tăng tính đặc sắc và hấp dẫn cho lời thơ. Với điều kiện làm việc tạm bợ, tận dụng mọi nguyên liệu từ núi rừng nhưng công việc lại hết sức quan trọng,trang nghiêm, mang nặng tính dân tộc. Đó là cách đối ý tinh tế của Bác trong việc sử dụng câu từ, ngôn ngữ. Ngoài ra, phép đối thanh của thanh bằng và thanh trắc cũng đồng thời tạo nhịp cho thơ để diễn tả đầy đủ khí thế của công việc cao cả. Từ láy ”chông chênh” được dùng trong thơ không chỉ để miêu tả cái bàn đá tự tạo, mà qua đó phần nào gợi ra được cái ý nghĩa biểu tượng trong câu từ, tượng trưng cho cách mạng nước ta đang trong thời kì khó khăn, đó là giai đoạn bắt đầu bước sang hướng mới của cả dân tộc. Đời làm cách mạng dù chịu nhiều nỗi thấm khổ nhưng dù vậy, đó lại là công việc mang tính toàn dân, “dịch sử Đảng”. Trong suốt ba mươi năm bôn ba, Bác Hồ bắt gặp được lý tưởng Cộng sản của Liên Xô, cho nên khi về nước, công việc đầu tiên chính là dịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô làm tài liệu huấn luyện cho cán bộ, đồng thời tìm hướng đi cứu nước mới để làm xoay chuyển lịch sử Việt Nam. Suốt cuộc đời làm cách mạng, Bác đã sống với những lý tưởng cao đẹp cùng lối sống giản dị, bình thường. Hình ảnh Người ngồi bên bàn đá chông chênh để làm công việc cao cả đã biểu tượng cho hình tượng cao đẹp của người chiến sĩ, khắc họa bức chân dung người Cộng sản chân thật, mang tầm vóc lớn trong tư thế uy nghi như một tượng đài của vị lãnh tụ tôn quý. Qua đó, ta nhận ra được rằng, đối cới những con người làm cách mạng, họ không ngại với những khó khăn, thách thức bên ngoài, những thử thách đó không thể ngăn cản được ý chí cách mạng. Trong hoàn cảnh nào cũng thế, ở bất cứ địa vị, không gian nào, người chiến sĩ vẫn có thể hòa hợp với thiên nhiên, dung hòa với mọi thứ, thích nghi với cảnh sống ở mọi nơi.
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Yêu thiên nhiên, yêu công việc và trở thành tình yêu với cách mạng. Ở người Cộng sản chân chính, họ luôn tìm thấy niềm vui, hòa hợp giữa tâm hồn với công việc, với thế giới tạo vật trong không gian . Ở bất cứ đâu, con người cũng có thể làm chủ thiên nhiên, làm chủ sự sống, vun đắp thêm ý chí, quyết tâm và tư tưởng “cuộc đời cách mạng thật là sang”. Ở câu thơ thứ 3, ta thấy Bác đã phải sống trong hoàn cảnh đầy khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng dù ở bất cứ nơi đâu, khi làm cách mạng, Người luôn cảm thấy “sang” và tự hào, cho đó là một công việc lớn lao. Bác yêu đời, yêu thiên nhiên, những cảm xúc đó phải chăng bắt nguồn từ lòng yêu đất nước, yêu con người thiết tha, gần gũi. Chỉ một chữ “sang” cuối bài, chữ “sang” làm thi nhãn cho bài thơ, gợi tả nên nhiều ý nghĩa, bao quát toàn bài. Đó là cái “sang” của sự sang trọng, giàu có, cao quý, đẹp đẽ và cũng là cái “sang”, cái tôn quý, cái cảm giác hài lòng vui thích với tư tưởng, cái đẹp của lý tưởng đã chiến thắng sự gian khổ một cách ung dung, thanh thản. Thi nhân xưa thường thích thú “lâm tuyền” và ca ngợi nó, còn đối với Bác, thú “lâm tuyền” của người không phải là trốn tránh cuộc đời mà đó lại là công việc vì dân vì nước, gây dựng lịch sử dân tộc, đưa nhân dân làm cách mạng giải phóng đất nước, tạo nên cuộc sống ấm no muôn đời. Người vẫn thế, vẫn luôn thao thức vì sự nghiệp cách mạng, ôm trọn mối tình nước non và muôn dân vào lòng
“Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người”
(Tố Hữu)
Tâm trạng, tình cảm của Hồ Chí Minh khi gợi tả về cuộc sống nơi hang Pác Bó đã gợi nên một nhịp sống bình dị. Bác dùng lối nói khoa trương nhưng rất mực chân thực, niềm vui ấy lan tỏa toàn bài thơ như có một nguồn sống lớn. Từ thiên nhiên, hình ảnh, giọng điệu trong thơ, tất cả đều xuất hiện từ quan niệm sống của vị lãnh tụ vĩ đại. Bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” đã thể hiện cốt cách tinh thần và phong thái tràn đầy niềm tin, lạc quan vào sự ngiệp cách mạng của Bác. Với lời thơ bình dị, ngôn từ ý nghĩa, hàm súc, vừa mang tính cổ điển truyền thống, vừa có tính hiện đại mới mẻ, Hồ Chí Minh đã thực sự thành công khi xây dựng cuộc sống cách mạng cao sang và tư tưởng, bản lĩnh người chiến sĩ Cộng sản thời chiến.
Bùi Phương Thảo