Những bài văn hay lớp 7

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bánh trôi nước hay nhất

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bánh trôi nước

Bài làm

Hồ Xuân Hương được mệnh danh là bà chuá thơ Nôm của Việt Nam ta. Những tác phẩm thơ văn của bà bám sát vào đời sống hiện thực, đồng thời luôn hướng về sự công bình, bình đẳng, bác ái trong xã hội, nhất là đối với quyền sống và hưởng thụ hạnh phúc xứng đáng của những người phụ nữ. Bánh trôi nước là một trong những tác phẩm vô cùng nổi tiếng của bà về đề tài này, bài thơ có độ phổ biến với công chúng bạn đọc vô cùng sâu rộng vì ý nghĩa câu chuyện của bà vừa hiện thực lại mang giá trị nhân đạo và nhân văn vô cùng sâu sắc.

"Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son"

Toàn bộ ý tứ thơ của 7 câu thơ và hai mươi tám chữ đều xoay vần xung quanh chiếc bánh trôi. Nhưng điều đặc biệt chính là ở chỗ đó, Hồ Xuân Hương vận dụng hiện thực, đó là hình ảnh chiếc bánh trôi nước để nói đến thân phận của người phụ nữ, quả thực là độc đáo, khác người vô cùng. Hồ Xuân Hương vốn là một người phụ nữ có tài, có sắc. Là một kẻ hay chữ đồng thời cũng là một con người có trái tim vô cùng nhạy cảm, dạt dào niềm yêu thương với cuộc sống, với con người và luôn luôn khát khao tình yêu đôi lứa và hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, số phận hẩm hiu đẩy người con gái tài đức ấy vào cảnh có chồng nhưng phải chung chồng, lại còn mang thân phận vợ lẽ, có tý tình cũng phải "san sẻ tý con con", hàng đêm cứ phải thao thức vì cái phận "kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng". Đã từng rất thấu hiểu việc đời việc người, nay chính bản thân mình cũng bị dấn thân, Hồ Xuân Hương lại càng thấm thía nhiều hơn nỗi cay cực của phận đời phụ nữ. Mở đầu bài thơ là lời tự sự:

"Thân em vừa trắng lại vừa tròn"

Câu thơ lấy hình ảnh chiếc bánh trôi nước để ví von về người phụ nữ, vừa trắng lại vừa tròn là nói đến vẻ đẹp của người phụ nữ cả bên trong lẫn bên ngoài, đều trong trắng, tròn đầy và phúc hậu. Người con gái trong thời đại phong kiến xưa từ khi sinh ra đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi, họ phải sống đúng theo đường lối gia phong của đạo tứ đức "công, dung, ngôn, hạnh" và tam tòng "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử", không được sống theo ý mình nhưng họ vẫn luôn hướng đến đạo đức chân chính. Những người phụ nữ chính là những người khiến cho xã tắc ấm êm.

"Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn"

phat bieu cam nghi ve bai tho banh troi nuoc - Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bánh trôi nước hay nhất

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bánh trôi nước

Cũng chính vì không có quyền định đoạt cuộc sống của chính bản thân mình mà cuộc sống của họ chìm nổi vô cùng. Cũng như chiếc bánh trôi nước, đời người con gái cứ chìm nổi vô định. Tương lai và hạnh phúc của họ nằm trong tay của người khác. Ở nhà là người cha và xuất giá là người chồng.

"Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai"

"Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày"

Có được một cuộc đời đáng sống hơn cũng phụ thuộc vào người đàn ông, bởi thiết chế xã hội đó là phụ hệ. Nhưng điều đáng nói ở đây trong cái xã hội phong kiến đó, người đàn ông cũng rất biết vị thế của mình, luôn bảo vệ vị thế của mình, cho mình cái quyền được phép quyết định đến hạnh phúc của người phụ nữ. Thật đáng đau lòng thay.

Người con gái cứ luôn phải thấp thỏm bởi hạnh phúc của chính bản thân mình, lúc nào cũng chỉ mong có được một cuộc sống gia đình êm ấm nhưng cũng khó quá, đã biết bao những thân phận như nhân vật Thúy Kiều trong truyện Kiều hay Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương trở thành điển hình về thân phận bèo dạt mây trôi của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, những người con gái ấy vẫn mãi sáng ngời vẻ đẹp nhân cách:

"Mà em vẫn giữ tấm lòng son"

Cho dù cuộc đời có lắm bể dâu nhưng những người phụ nữ mang nặng tư tưởng truyền thống ấy vẫn luôn không có chút oán thán, họ vẫn luôn hết mình với cuộc đời, với những người thân yêu của họ. Họ vẫn luôn coi đó là nghĩa vụ, trách nhiệm đến từ chính bản năng. Họ sống một cuộc đời vì người khác chứ không chỉ cho riêng mình. Nhân cách sống của họ đáng quý vô cùng.

Bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương vừa mang giá trị hiện thực, lại vừa chất chứa tinh thần nhân đạo cao khiết vô cùng. Hồ Xuân Hương không chỉ nói về thân phận chung của những người phụ nữ, mà còn là tâm tình riêng của chính bản thân bà, về cuộc đời của mình. Bài thơ chỉ là đơn thuần kể và tả nhưng lại có sức tố cáo một cách nhẹ nhàng và thấm thía sự bất bình đẳng của tư tưởng xã hội phong kiến xưa lên thân phận của những người phụ nữ. Cái tài chữ của Hồ Xuân Hương quả thực không hề đơn giản.

Minh Tuệ