Suy nghĩ của em về mối quan hệ giữa học và hành
Bài làm
Từ xưa đến nay việc học và hành luôn được mọi người quan tâm và bàn luận. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp trong bài Bàn về phép học đã bàn luận và nêu ý kiến về vấn đề này. Phép dạy theo Chu Tử: Lúc đầu học để bồi lấy gốc sau đó học lê tứ thư ngũ kinh, chư sử. Học rộng rồi theo điều học mà làm.
Có thể nói ý kiến trên chính là sự đúc kết kinh nghiệm sau nhiều năm nghiền ngẫm và áp dụng vào thực tế từ phương pháp dạy học của Chu Tử, một nhà Nho làm nghề dạy học bên Trung Quốc. Nguyễn Thiếp đã nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa học và hành. Cho tới ngày nay thì đó vẫn luôn là vấn đề đực quan tâm và có nhiều bàn luận.
Trước hết chúng ta phải hiểu được “Học là gì?”. Học chính là một quá trình tiếp thu tri thức và biến những tri thức của nhân loại thành vốn tri thức, vốn hiểu biết của bản thân. Việc học không chỉ đơn thuần thông qua những giờ học trên lớp dưới sự hướng dẫn của thầy cô mà còn là học hỏi từ những kinh nghiệm của những người lớn tuổi, của bạn bè đồng trang lứa. Có thể học qua sách vở, tự nghiên cứu qua các tài liệu cũng như bằng việc quan sát từ thực tế cuộc sống. Tuy nhiên nếu học chỉ dừng lại ở khau lý thuyết thì sẽ chẳng đem lại lợi ích gì cho cuộc sống. Học sẽ có ích nếu như những lý thuyết đó được áp dụng vào thực tế cuộc sống trong lao động, sản xuất cũng như cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
“Hành” chính là hoạt động nhằm vận dụng những kỹ năng và những kiến thức đã tích lũy được từ quá trình học tập để vận dụng và giải quyết những vấn đề cụ thể. Như chúng ta đã biết không có một môn học nào không có phần thực hành. Thực hành có thể thể hiện qua việc làm những bài tập sau khi học lí thuyết hay qua những tiết thực hành của các môn như Lý, hóa, sinh. Ví như môn hóa học có thực hành điều chế các chất, xem các phản ứng hóa học mà trước đó đã có hướng dẫn và mô tả bằng lý thuyết rồi. Hay một môn học cụ thể hơn việc thực hành được thể hiện qua những thao tác cụ thể như các bài tập của môn thể dục.
Thực tế trong cuộc sống chúng ta thường xuyên bắt gặp mối liên hệ giữa học và hành. Ví như trước đây khi chúng ta tập cắm cơm thì được mẹ dạy cách vo gạo, cho nước, bật nồi với từng bước một theo thứ tự trước sau. Sau khi chúng ta nhớ thật kỹ các bước và được chứng kiến mẹ làm thì sau đó có thể vận dụng để nấu cơm. Hay trong những tiết toán thì sau khi được cô giảng phần lý thuyết, hướng dẫn các ví dụ thì chúng ta sẽ hiểu được cách làm và vận dụng những lý thuyết đó để giải những bài tương tự. Thử nghĩ xem nếu như chúng ta học lý thuyết nhưng không nắm vững thì việc áp dụng chắc chắn sẽ có như sai xót. Nó giống như việc cắm nồi cơm nhưng lại bỏ qua một bước thì chắc chắn sẽ không có một nồi cơm trắng dẻo, thơm ngon.
Thế mới nói rằng việc thực hành muốn đạt được kết quả tốt, muốn thành công thì phải có vai trò của lý thuyết. Những kiến thức mà hằng ngày ta học tập, tiếp thu được sẽ có tác dụng để có thể áp dụng vào thực hành. Tuy nhiên có kiến thức trong tay thì để phát huy những kiến thức đó ta phải rèn luyện và thực hành thật nhiều sao cho nhuần nhuyễn. Ngược lại nếu như ta chỉ chăm chú vào việc học lý thuyết mà không vận dụng cũng như không biết làm thế nào để biến những tri thức mà mình nắm được để đi vào thực tế thì nó sẽ chẳng thể nào đem lại lợi ích trong cuộc sống cũng như để lâu thì nó cũng sẽ trở nên mai một.
Học đi đôi với hành là phương châm và là phương pháp học thiết thực cho học sinh, sinh viên phát huy tinh thần chủ động trong học tập. Cũng từ đó giúp cho giới trẻ càng thêm năng động, học tập được những kỹ năng bổ ích trong cuộc sống. Học để có thể dễ dàng thích nghi với cuộc sống, với xã hội đang thay đổi từng ngày. Để khi ra trường, khi bước chân vào trường đời có thể trở thành người có ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội.
Bác Hồ đã từng nói: “Học mà không hành thì học vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Quả thực đúng như vậy, lời dạy của bác đã góp phần khẳng định mối quan hệ mật thiết và tương hỗ giữa hai yếu tố học và hành trong cuộc sống.